Thánh đường của nghệ thuật hàn lâm

NƯỚC NGA DU KÝ -KỲ 1

Nước Nga du ký- kỳ 2- CHOÁNG NGỢP “VENICE PHƯƠNG BẮC”

NƯỚC NGA DU KÝ- KỲ 3  V- NHÀ THỜ CHÍNH THỐNG GÍAO

nước Nga du ký-kỳ 4

Nước Nga du ký- kỳ V- Khám phá "bảo tàng đá quý "

Nước Nga du ký- kỳ VI- Versailles -phiên bản Nga

Nước Nga du ký-kỳ VII- Mỗi viên gạch chứa một phần lịch sử!

Bolshoi trong tiếng Nga có nghĩa là to lớn. Nhưng thay vì cái tên thông thường là Nhà hát Lớn, người yêu nghệ thuật đỉnh cao trên thế giới vẫn nâng niu gọi công trình này là Nhà hát Bolsoi - một tượng đài bất diệt của văn hóa Nga, một thánh đường trong mơ của opera - ballet - hòa nhạc thính phòng - giao hưởng…

Đứng tim trước “Hiệp sĩ của hoa hồng”

Nếu bạn là tín đồ của những loại hình nghệ thuật đỉnh cao kể trên, hãy cố gắng tìm kiếm cơ hội ngồi trong khán phòng lộng lẫy này - ít nhất một lần. Để được thưởng thức những tác phẩm kinh điển - theo cách thức sang trọng, tinh tế và đẳng cấp bậc nhất.

Trước đây, mua được vé vào “thánh đường Bolshoi” không dễ. Ngày nay, nhờ công nghệ hiện đại, mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng cũng phải thú nhận, nếu không có lòng nhiệt tình vô bờ bến của cô bạn thân - một công dân Moscow đích thực, giấc mơ Bolshoi của tôi đã chẳng thể thành hiện thực.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được thưởng thức trọn vẹn một vở opera kinh điển (thay vì những trích đoạn, hiếm hoi được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam). Der Rosenkavalier hay còn được gọi bằng cái tên Hiệp sĩ của hoa hồng (The Knight of the rose) là vở diễn 3 hồi của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Richard Strauss (1864 - 1949). Nổi tiếng với nhiều kiệt tác thơ giao hưởng (symphonic poem) - mà ông vẫn gọi là những bản nhạc mang âm hưởng thi ca và opera (như Don Juan, Salome, Arabella, Elektra...), R. Strauss còn là một nhạc trưởng nổi tiếng, trong giai đoạn cuối lãng mạn - đầu hiện đại. Tờ giới thiệu chương trình in đậm dòng chữ: Đây là buổi diễn thứ 27 (tính từ lần đầu vở diễn ra mắt tại Bolshoi vào năm 2012), trong khuôn khổ mùa diễn thứ 241 của nhà hát lịch sử này. 

Cũng là lần đầu, tôi được bay bổng với phần biểu diễn của một dàn nhạc giao hưởng đỉnh cao, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Alexander Soloviev. Lần đầu được chứng kiến một sân khấu hiện đại, với décor “thật như đời”. Xe lăn, xe đạp cho đến giường tủ, bàn ghế ngoài đời đều được đưa lên sàn diễn. Tủ bát lấp loáng kính cao ngất, những chiếc đĩa sứ trang trí đường kính 30 - 40cm được dàn diễn viên mang ra ném loảng xoảng, đập phá sướng tay.

Thiệt thòi lớn nhất, với tôi, là chỉ có thể hiểu láng máng nội dung ca từ. Bởi các nghệ sĩ thể hiện bằng nguyên bản tiếng Đức, màn hình phía trên chạy phụ đề tiếng Nga. Nhưng có hề gì, rào cản ngôn ngữ không làm khó tôi nhiều lắm, nhờ diễn xuất hình thể, biểu cảm tuyệt vời trên gương mặt của các diễn viên.

Khán phòng năm tầng, vàng son lộng lẫy với sức chứa 2.153 ghế không còn một chỗ trống. Khán giả lặng phắc, chìm trong biển thanh âm đỉnh cao suốt thời lượng bốn tiếng đồng hồ của vở diễn. Và những tràng vỗ tay kéo dài tưởng như không dứt, dành cho dàn diễn viên tài năng khi kết thúc vở diễn gây ấn tượng cực mạnh trong tôi. Một sự tưởng thưởng xứng đáng, cho một đời đam mê, một đời khổ luyện của những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đang liên tục cúi chào trên sân khấu... 

Bí mật ẩn giấu bên trong thánh đường

 “Ngắm mặt tiền sừng sững gồm 8 cây cột trụ vĩ đại, bên trên là bức tượng cỗ xe ngựa của Thần Apollo - biểu tượng cho sự tồn tại vĩnh cửu của đời sống nghệ thuật luôn chuyển động không ngừng, tôi hạnh phúc đến muốn khóc...”.

Cuối tháng 10.2011, Bolshoi sáng đèn trở lại, sau 6 năm đóng cửa để trùng tu và nâng cấp toàn bộ. Công trình kiến trúc với mặt tiền theo phong cách tân cổ điển nổi tiếng này (đã hiện diện trên đồng tiền giấy 100 rubles Nga suốt hai thập kỷ qua) được khoác lại tấm áo vương giả thuở ban đầu, được áp dụng những công nghệ sân khấu tiên tiến bậc nhất để xứng danh “nhà hát có chất lượng âm thanh hàng đầu thế giới”, với khoản chi phí lên tới 700 triệu USD.

Bước chân vào Nhà hát, khán giả bị choáng ngợp bởi những bức họa tinh tế trên vòm trần khổng lồ, bởi chùm đèn pha lê nặng xấp xỉ hai tấn, bởi những dãy ban công uốn cong mềm mại được dát vàng lá óng ánh, bởi tấm màn sân khấu mang họa tiết đại bàng cao cỡ 20 mét và nặng tới 900kg...

Nhưng không nhiều người biết, đặt chân vào đại sảnh mênh mông tráng lệ cũng đồng nghĩa với việc ta đang đứng trên nóc của một tòa nhà cao sáu tầng. Bởi phía dưới đại sảnh là cả một không gian nhà hát được kiến thiết bổ sung, với gian hòa nhạc, phòng phục trang và vô số thiết bị, công nghệ biểu diễn tối tân bậc nhất. Sân khấu bao gồm 7 bộ phận cơ động, có thể di chuyển nhịp nhàng với nhau theo hai chiều lên xuống. Một trạm thủy lực tầm cỡ lớn nhất châu Âu, được công nghệ máy tính hỗ trợ sẽ giúp di chuyển những mảng nền đồ sộ, nặng tới vài tấn, với chiều rộng 3m và chiều dài 21m. Hơn 300 tấm màn tạo ra những cảnh quan phong phú, hệ điều phối rèm che đặc biệt sẽ tạo ra hàng loạt phối cảnh, hiện thực hóa tối đa mọi ý tưởng sáng tạo của đạo diễn. Ngoài ra, sàn sân khấu có thể dễ dàng thay đổi từ phương ngang sang nghiêng. Lớp phủ tiêu chuẩn sẽ tạo nên một sân khấu opera phản âm. Để chuyển thành sân khấu ballet dốc 4 độ, người ta chỉ mất có 10 -15 phút trải lớp phủ thứ hai, làm bằng vật liệu đặc biệt harlequin (nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ gây chấn thương cho vũ công đồng thời cũng hấp thụ âm thanh rất tốt)...

Công cuộc phục chế kéo dài 6 năm, với sự góp công của 5.600 con người cũng đã giúp tái tạo lại kết cấu âm thanh “giống như một nhạc cụ hoàn hảo” mà kỹ sư âm thanh tài năng Kavos lúc sinh thời từng tâm huyết sáng tạo cho nhà hát. Không gian khán phòng được chuyển đổi sang không gian sân khấu theo hình dạng một chiếc đàn violin khổng lồ, được tạo bởi các cạnh cong hoàn hảo của năm dãy buồng lô. Nội thất trong nhà hát đều được làm bằng thứ gỗ vân sam “biết hát”. Trần nhà bằng gỗ. Một lớp đệm không khí nằm ngay dưới khán phòng cùng một khoảng không gian trống phía dưới hố nhạc được thiết kế để khuếch đại âm thanh. Tất cả những chi tiết đó đã từng bị thay thế, sửa chữa bất chấp những quy chuẩn về âm thanh dưới thời Nga Xô viết. Rất may, đến nay, chúng đã đều được khôi phục nguyên vẹn, để Bolshoi trở lại danh sách những nhà hát có chất lượng âm thanh hàng đầu châu Âu, sánh cùng những tên tuổi Alla Scala ở Milan, Covent Garden ở London...

Ngắm mặt tiền sừng sững gồm 8 cây cột trụ vĩ đại, bên trên là bức tượng cỗ xe ngựa của Thần Apollo - biểu tượng cho sự tồn tại vĩnh cửu của đời sống nghệ thuật luôn chuyển động không ngừng, tôi hạnh phúc đến mức muốn khóc. Cảm giác khó gọi tên ấy, bạn chỉ có thể chia sẻ, nếu đã từng tới đó - như tôi. Vì vậy, xin đừng bỏ lỡ một địa chỉ văn hóa vô giá như thế, khi tới Moscow, bạn nhé!

Hồ Cúc Phương 

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận